Trên thế gian này không có màu sắc nào là xấu, chỉ có những cách phối màu xấu! Làm thế nào để phối màu cho đẹp? Cụ thể hơn, làm thế nào để phối màu sơn tường nhà một cách thẩm mỹ và hài hòa nhất? Câu hỏi này thật khó trả lời. Màu sắc là một phạm trù trừu tượng mà mỗi người có một cảm nhận khác nhau, thật khó để đưa ra một công thức pha màu đảm bảo thành công 100%. Tuy vậy, nó cũng có những quy luật riêng mà chúng ta có thể nắm bắt và lợi dụng. Bài viết kỳ này sẽ bật mí cho bạn đọc 3 quy cách phối màu cơ bản đó.

 – Phối màu theo quy tắc đơn sắc monochrome

 – Phối màu theo quy tắc liền kề 

 – Phối màu tương phản complimentary

Phối màu đơn sắc: Monochrome

 Đây là một trong những cách phối màu dễ dàng, đơn giản nhất, luôn luôn thành công và hiệu quả lúc nào cũng rất khả quan. Quy tắc của nó như sau: lựa chọn một màu sắc duy nhất mà bạn thích và sử dụng nó với nhiều sắc độ khác nhau. Phân tích kỹ 5 ví dụ sau đây bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách phối màu này.

Nhìn chung, phối màu đơn sắc giúp không gian có một chủ đề thống nhất, gắn kết, hài hòa và không rối mắt. Đặc biệt, nếu bạn yêu thích một màu sắc nào cụ thể và chỉ muốn dùng nó trong không gian nhà mình thì đây chính là cách phối màu mà bạn nên dùng.

 1. Màu xanh lá: chuyển sắc độ từ đậm đến nhạt
 Hãy quan sát mặt tiền ngôi nhà này, chỉ với một gam màu xanh lá mạ, nhưng bức tường được trang trí với các sắc độ khác nhau của nó từ đậm đến nhạt hơn, tạo ra một sự chuyển màu hài hòa, đơn giản nhưng ấn tượng.

2. Xanh lá – xanh lá mạ

Hai gam màu xanh từ đậm đến nhạt hơn tạo nên một bức tường có sự chuyển màu hài hòa, dịu dàng tươi mát. Thực tế thì cách phối màu này nghiêng về phối màu liền kề nhiều hơn là đơn sắc, do gam màu lá mạ có sự pha trộn của màu vàng.

3. Xanh dương đậm – xanh pastel – trắng

Một ứng dụng khác của chuyển màu đơn sắc. Các sắc độ của màu xanh tương đối cách xa nhau, ví dụ nếu coi màu xanh dương đậm là 100%, màu xanh pastel nhạt ở giữa sẽ là 50%, màu trắng 0%. Sự nhảy màu kịch tính này làm nên sự thú vị cho bức tường, thay vì cảm giác hiền hòa nhẹ nhàng như ở 2 ví dụ trên.

4. Đơn sắc Xám

Xám là màu trung tính tạo ra bởi hai màu đen và trắng. Xám cũng có nhiều sắc độ, tùy theo cách bạn pha trộn tỉ lệ giữa hai màu gốc tạo nên nó. Bởi vì là màu trung tính nên nó rất dễ sử dụng, phù hợp hầu hết với mọi không gian nội thất. Trong kiến trúc hiện đại, các tông màu đơn sắc trung tính ngày càng được vận dụng nhiều hơn.

5. Chuyển màu Xám – trắng

Một cách ứng dụng màu xám khác, tạo ra nét đẹp nhẹ nhàng, ngọt ngào hơn. Sự xuất hiện của màu trắng đóng vai trò là màu sắc chủ đạo trong không gian cùng sự chuyển biến nhẹ nhàng của màu xám, nâu đậm tạo ra một không gian ấm áp, ngọt ngào, hiện đại.

Phối màu liền kề

Quan sát trên vòng tròn màu, các màu đứng cạnh nhau được gọi là màu kiền kề. Ví dụ như đỏ – cam – vàng, hay cam – vàng – xanh lá mạ – xanh cổ vịt, hoặc xanh lục – lam – chàm – tím.

Sự kết hợp các màu liền kề cũng tạo ra sự chuyển màu nhất định. Các màu liền kề giữ những phẩm chất tương tự nhau, phối hợp nó trong không gian nội thất vẫn tạo ra một cảm giác màu chủ đạo nhất định, mà lại sống động vui mắt hơn như dòng chảy của tự nhiên.

6. Vàng – Xanh lá mạ – Cam

Ba tông màu nóng đứng kế nhau trên bảng màu này mang đến cảm giác thiên nhiên mãnh liệt. Sự chuyển màu rất hài hòa thuận mắt đem lại cảm giác ấm áp dễ chịu cho không gian.

7. Tím – xanh nhạt – xanh lam – xanh đậm

Khác với ví dụ trên, đây là sự kết hợp của các màu thuộc tông lạnh. Sự chuyển màu khéo léo kết hợp với việc chọn đồ nội thất thông minh với gam màu trung tính, mang đến một không gian phòng khách ấn tượng mà thân thiện.

8. Lam – chàm – tím

Ba màu huyền bí và quyến rũ cho một không gian phòng ngủ bí ẩn, hấp dẫn. Các màu sắc liền kề kết hợp với nhau cho ra những sản phẩm hiệu quả, bắt mắt mà vẫn có nét vui nhộn, cá tính.

9. Đen – nâu – đỏ – hồng – trắng

Một cách phối màu phóng khoáng hơn, thay vì máy móc lựa chọn các tông màu liền kề. Ở ví dụ này, chủ nhà đã có sự phá cách trong việc kết hợp các sắc độ và sự nhảy màu, cho ra một phòng khách ấn tượng, độc đáo ấm áp mà không đụng hàng.

10. Nâu – Cam – Hồng

Tương tự như trên, một biến thể khác của phối màu liền kề. Các màu cùng tông nóng được chuyển một cách nhẹ nhàng, thú vị. Tạo ra một không gian ngoại thất đậm chất Nhiệt đới.

Phối màu tương phản: Complementary

Vậy là đến thời điểm này, ta đã xác định được rằng Đoàn quân màu thiên thanh và cơn lốc màu da cam chắc chắn sẽ vắng mặt tại World Cup 2018 tại Nga năm sau. Điều này thật bất ngờ và cũng thật trớ trêu. Nhưng nếu bỏ qua việc đó, bạn có biết rằng màu áo của 2 đội tuyển này thực ra chính là một cặp màu bổ túc nổi tiếng: xanh dương – da cam hay không?

Có 3 cặp màu bổ túc cơ bản: xanh dương – da cam, đỏ – xanh lá, vàng – tím, cùng rất nhiều những cặp màu tương phản khác nằm đối diện nhau trên bảng màu. Cơ bản thì những màu này đối chọi, bổ trợ làm nổi bật và sắc nét hơn màu sắc của nhau. Bởi vậy, nó cũng gây ấn tượng về thị giác nhất, đồng thời cũng dễ gây chối mắt nhất so với các cặp màu khác.

Đây là một trong những kỹ thuật phối màu khó nhất. Nếu bạn không hiểu biết kỹ càng về màu sắc mà ứng dụng nó thì rất dễ xảy ra những thảm họa về màu. Tuy vậy, nếu thành công thì sao? Bạn sẽ có một không gian đặc biệt ấn tượng, hút mắt, thể hiện một con mắt thẩm mỹ và khả năng phối màu lão luyện, đặc biệt là, không thể đụng hàng ở bất cứ đâu.

11. Đỏ – xanh lam – Vàng: phối màu tam giác

Hãy quan sát trên bảng màu, 3 màu cơ bản này nằm ở vị trí mà nối chúng lại có thể tạo thành một hình tam giác trên vòng tròn các màu. Đây là một thủ pháp chọn màu cơ bản trong phối màu tương phản. Dĩ nhiên để phối chúng một cách hài hòa, bạn nên ứng dụng thêm một số màu trung tính khác để trung hòa như ví dụ này.

12. Màu vàng – cam – nâu – xanh lam: phối màu hình chữ nhật

Một ví dụ khác về phối màu tương phản với phòng làm việc đầy màu sắc và năng lượng. Cách chọn màu cũng tương tự như ở ví dụ trên, các màu được chọn nằm ở vị trí tạo thành hình chữ nhật.

13. Vàng – xanh lam – hồng: phối màu chữ T

Một cách phối màu khác cũng mang lại hiệu quả không kém. Phối màu tương phản rất bắt mắt, vui nhộn và đem đến nhiều năng lượng cũng như cảm hứng, bởi vậy nó được áp dụng nhiều cho các shop kinh doanh buôn bán hơn là trong nhà ở. Do không gian nhà ở thường chuộng cảm giác yên bình, thoải mái nhiều hơn.

14. Vàng – lam: cặp màu tương phản

Các cặp màu đối diện trong bảng màu mang đến hiệu quả thị giác ấn tượng, không gian kịch tính, bắt mắt hơn.

15. Hồng – xanh lục: cặp màu tương phản

Tương tự, cặp màu tương phản này đem đến sự sống động cho không gian ngoại thất thay vì cảm giác buồn tẻ thường gặp.

Kết luận

Nếu bạn cảm thấy việc phối màu vẫn quá phức tạp, đừng lo lắng. Hãy nhớ rằng màu trắng luôn là bạn của mọi nhà, ở bất cứ đâu, ở bất cứ lúc nào. Sử dụng màu trắng luôn phù hợp cho mọi phong cách và tường nhà ở mọi hoàn cảnh. Vì vậy, nếu bí quá, đơn giản hãy lựa chọn màu sắc dễ chịu thân thiện này nhé.

Và đừng quên, bạn có thể mua bảng màu và vòng tròn phối màu ở bất cứ hiệu sách và cửa hàng họa phẩm nào. Ngoài ra nếu cần thêm hướng dẫn, đừng ngại mà hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *